|

Ca mắc COVID-19 ở trẻ em gia tăng: Chuyên gia nhi khoa khuyến cáo gì các phụ huynh?

content:

 

Số ca mắc COVID-19 trên cả nước gia tăng hàng ngày, theo đó trường hợp trẻ em mắc COVID-19 cũng tăng lên. Bộ Y tế cho biết số trường hợp mắc COVID-19 nhóm dưới 12 tuổi đang có sự gia tăng. Trước ngày 1/2/2022 là 14,1% và sau ngày 1/2/2022 là 24,3%.

4% trẻ em mắc COVID-19 có thể trở nặng hoặc nguy kịch

Theo Sổ tay Chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại nhà do Bệnh viện Nhi trung ương và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp phát hành, phần lớn trẻ mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (viêm đường hô hấp trên hoặc rối loạn tiêu hóa, hồi phục trong 1-2 tuần).

Zalo
Chăm sóc trẻ mắc COVID-19 tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Có 4% có thể trở nặng hoặc nguy kịch, thời gian nguy cơ thông thường là vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 8. Tuy nhiên, bệnh có thể có biến chứng hậu COVID-19, bao gồm các triệu chứng của hội chứng viêm đa hệ thống hoặc "COVID-19 kéo dài" ở trẻ em.

Các chuyên gia nhi khoa của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng nêu rõ: Trẻ dưới 12 tháng tuổi và trẻ có các bệnh lý nền như sau có nguy cơ diễn tiến nặng cao: Trẻ sinh non, cân nặng thấp; béo phì, thừa cân; đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa; các bệnh lý ung thư, tim mạch, thần kinh; bệnh hô hấp, gan, thận mạn tính; suy giảm miễn dịch; các bệnh hệ thống và đang dùng corticoid, thuốc ức chế miễn dịch.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BS. Nguyễn Thành Lê, Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, những ngày gần đây, số lượng trẻ mắc COVID-19 nhập viện, tăng đột biến. Nếu như trước đây chỉ lẻ tẻ vài ca là trẻ em phải nhập viện, thì đợt này, số lượng bệnh nhi tăng nhanh từng ngày; có những ngày cao điểm có tới hơn 20 bệnh nhi được chuyển vào Khoa để điều trị.

Các bệnh nhi đến đây hầu như thuộc phân tầng 2, đã cần sự can thiệp của y tế. Đa phần trẻ mắc COVID-19 phải nhập viện có triệu chứng như: Sốt cao liên tục, li bì, bỏ ăn, bỏ bú, co giật, một số trẻ suy hô hấp…

Trẻ em bị F0 dùng thuốc thế nào? Có cần ăn kiêng hay không?

TS.BS Cao Việt Tùng- Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng phần lớn trẻ em khi mắc COVID-19 diễn biến lành tính, sốt 2-3 ngày đầu kèm các triệu chứng ho, ngứa họng, sổ mũi… Phụ huynh cần theo dõi nhiệt độ, cho ăn đủ, bồi phụ các vitamin, bảo đảm vệ sinh… cách ly phòng thoáng mát và tuân thủ 5K. Kháng sinh không có chỉ định dùng trong giai đoạn này.

Zalo
Các chuyên gia Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo khi trẻ em mắc COVID-19 nếu sốt thì cho uống hạ sốt, nếu ho thì dùng các chế phẩm điều trị ho thông thường và tích cực chăm sóc về dinh dưỡng cho trẻ.

"Chúng tôi khuyến cáo nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của các bác sĩ, các trường hợp uống thuốc sai chỉ định có thể chưa biểu hiện ngay mà một thời gian sau mới thấy có hại cho cơ thể"- TS.BS Cao Việt Tùng nói.

Khi trẻ sốt thì cho uống hạ sốt , nếu ho thì dùng các chế phẩm điều trị ho thông thường và tích cực chăm sóc về dinh dưỡng cho trẻ.

Về dùng thuốc ho , hướng dẫn của Bệnh viện Nhi Trung ương nêu rõ, nếu trẻ ho có thể sử dụng các loại siro ho thảo dược để giảm triệu chứng.

Ưu tiên sử dụng thuốc ho có thành phần thảo dược; Không dùng thuốc có chứa codein cho trẻ dưới 12 tuổi. Thuốc tiêu đờm, kháng histamin: chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ

Đặc biệt, cha mẹ không nên mua bất cứ các sản phẩm nào khác mà không theo hướng dẫn của bác sĩ, không được Bộ Y tế cấp phép để tránh tiền mất tật mang. Vì hiện nay, trẻ mắc COVID-19 thường diễn biến khá nhẹ và không dùng bất kỳ loại thuốc kháng virus nào.

Cũng liên quan đến nhiều băn khoăn của các bà mẹ về việc, trẻ em bị F0 thì có cần ăn kiêng hay không? TS.BS Cao Việt Tùng nhấn mạnh: Trẻ em bị F0 không cần ăn kiêng. Cha mẹ cố gắng duy trì chế độ dinh dưỡng cho con như bình thường, tuy nhiên việc cho trẻ ăn đủ và chế độ ăn dễ tiêu, giàu vitamin là rất quan trọng. Nên cho các cháu ăn chế độ ăn lỏng hơn bình thường và chia làm nhiều bữa.

Zalo
Hướng dẫn của Bệnh viện Nhi Trung ương về những vật dụng, thuốc... cần chuẩn bị sẵn khi trẻ mắc COVID-19 điều trị tại nhà

Tại Hướng dẫn mới về chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em do Bộ Y tế vừa ban hành trẻ em mắc COVID-19 mức độ nhẹ có thể lựa chọn phương pháp điều trị không dùng thuốc như sau:

- Nằm phòng cách ly, hoặc theo hướng dẫn cách ly tại nhà của Bộ Y tế.

- Áp dụng phòng ngừa chuẩn, đeo khẩu trang với trẻ ≥ 02 tuổi.

- Uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải oresol.

- Đảm bảo dinh dưỡng: bú mẹ, ăn đầy đủ.

- Vệ sinh thân thể, răng miệng, mũi họng.

- Tập thể dục tại chỗ và tập thở ít nhất 15 phút/ngày (trẻ lớn).

- Theo dõi:

+ Đo thân nhiệt tối thiểu 02 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ sốt

+ Đo SpO2 (nếu có) tối thiểu 02 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ mệt, thở nhanh/khó thở.

Khai báo y tế hàng ngày (qua điện thoại hoặc phần mềm qui định), báo nhân viên y tế khi có triệu chứng bất thường

Triệu chứng bất thường cần báo nhân viên y tế

- Sốt > 38 độ C - Tức ngực

- Đau rát họng, ho - Cảm giác khó thở

- Tiêu chảy - SpO2 < 96%

- Trẻ mệt, không chịu chơi - Ăn/bú kém

* Dấu hiệu chuyển nặng cần báo cấp cứu 115 hoặc đội phản ứng nhanh tại xã phường để được cấp cứu tại nhà hoặc đưa trẻ đến bệnh viện ngay:

- Thở nhanh

- Li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống

- Khó thở, cánh mũi phập phồng

- Tím tái môi đầu chi

- Rút lõm lồng ngực

- SpO2 < 95%

Bộ Y tế.

content:

content:

Album ảnh

portal-sessiontracking

Đang trực tuyến: 475
Số lượt truy cập: 294491