Các nguyên tắc cơ bản giải quyết khiếu nại hành chính

content:

 

Mọi hoạt động trong giải quyết khiếu nại hành chính phải thực hiện theo quy định của pháp luật là nguyên tắc cơ bản, bao trùm; đây là một nguyên tắc bắt buộc, mà cả người khiếu nại và người giải quyết khiếu nại phải tuân theo.

Nguyên tắc 1. Giải quyết khiếu nại hành chính phải thực hiện theo quy định của pháp luật

 Điều 4 Luật Khiếu nại nêu rõ: “việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại phải được thực hiện theo quy định của pháp luật”, cụ thể như sau:

Thứ nhất, khiếu nại, giải quyết khiếu nại hành chính phải tuân thủ theo thủ tục, trình tự, thẩm quyền mà pháp luật đã quy định.

Đối với công dân, cơ quan, tổ chức khi khiếu nại phải gửi đơn hoặc trình bày với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định; họ phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về chế độ đại diện, chế dộ ủy quyền.

Đối với cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc đó là nghĩa vụ, trách nhiệm. Giải quyết khiếu nại phải đúng thẩm quyền, theo đúng trình tự, thủ tục và thời hạn. Đó là những yếu tố thuộc trình tự, thủ tục khi giải quyết khiếu nại đã được quy định cụ thể trong Luật Khiếu nại và Nghị định hướng dẫn thi hành.

Thứ hai, giải quyết khiếu nại hành chính phải căn cứ vào chính sách, pháp luật, các quy định của cấp có thẩm quyền.

Các văn bản về chính sách, pháp luật nhà nước và các quy định của cấp có thẩm quyền là căn cứ pháp lý để xem xét, giải quyết khiếu nại. Chính sách, pháp luật xác định quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, quyền và lợi ích, nghĩa vụ của tổ chức và cá nhân. Các quy định này phải được tất cả mọi người phải tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh.

Giữa những quy định chung của pháp luật với nội dung cụ thể của chính sách cần phải được quán triệt và vận dụng một cách phù hợp trong quá trình giải quyết từng vụ, việc. Dù trong trường hợp nào, khi căn cứ vào văn bản pháp luật và chính sách đều phải xem xét đến thời điểm phát sinh khiếu nại, thời điểm giải quyết khiếu nại.  Khi cần thiết phải cập nhật đầy đủ các văn bản có liên quan của cơ quan có thẩm quyền và phải đang có hiệu lực.

Tương tự như vậy, khi xem xét đánh giá hành vi hành chính bị khiếu nại thì cần căn cứ vào các quy định của pháp luật về quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan hay cán bộ công chức đã có hành vi bị khiếu nại để kết luận hành vi đó là trái pháp luật hay không trái pháp luật, có vi phạm hay không vi phạm...

Thứ ba, không một cơ quan, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại của công dân. Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở, trả thù, trù dập, kích động người khiếu nại. Nội dung này được quy định tại Điều 6, Luật Khiếu nại. Khi xảy ra việc khiếu nại, thông thường bên khiếu nại và bên bị khiếu nại đều tìm mọi khả năng để bảo vệ ý kiến, quyết định hoặc hành vi của mình; khai thác các quan hệ để can thiệp vào quá trình giải quyết; những người này hoặc vì lợi ích cục bộ, vì động cơ cá nhân mà có những hành vi can thiệp, cản trở khiếu nại, gây khó khăn, làm cho giải quyết khiếu nại bị sai lệch…

Vậy, để đảm bảo cho giải quyết khiếu nại đúng đắn, pháp luật về khiếu nại đã đưa ra những quy định để ngăn chặn, xử lý những hành vi cản trở, can thiệp trái phếp việc giải quyết khiếu nại

Thứ tư, cơ quan, tổ chức, công dân phải chấp hành đầy đủ quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực, được quy định tại Điều 45, 46 của Luật Khiếu nại.

Việc chấp hành đầy đủ quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực được nói rõ tại các quy định về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Nếu cơ quan, cá nhân có liên quan không chấp hành thì tùy theo mức độ và tính chất của hành vi mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc chấp hành đầy đủ quyết định giải quyết khiếu nại cũng như thực hiện kết luận, kiến nghị đối với các vụ việc khiếu nại hành chính là thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, hiệu lực của hệ thống quản lý nhà nước được phản ánh rõ nét qua việc thực hiện các quyết định, các kiến nghị này.

Nguyên tắc 2. Giải quyết khiếu nại hành chính phải đảm bảo tính khách quan, công khai, dân chủ và kịp thời

Nếu nguyên tắc “thực hiện theo quy định của pháp luật” phản ánh tính chuẩn mực của pháp luật trong giải quyết khiếu nại thì nguyên tắc khách quan, công khai, dân chủ và kịp thời ngoài việc phản ánh những khía cạnh pháp lý, nó còn phản ánh khía cạnh chính trị - xã hội. Nguyên tắc này là sự thể hiện những yêu cầu pháp lý tương ứng với điều kiện kinh tế, chsinh trị, văn hóa – xã hội và trình độ dân trí…

Nguyên tắc khách quan, công khai, dân chủ và kịp thời thể hiện những yêu cầu có tính thực tiễn trong giải quyết; một mặt bảo đảm trong quá trình giải quyết được công minh, có giám sát, được tin cậy, khách quan và công tâm. Dân chủ trong giải quyết khiếu nại đòi hỏi các ý kiến trình bày của công dân phải được tôn trọng lắng nghe. Thông tin từ quần chúng, dư luận lành mạnh cũng là những cơ sở quan trọng để thúc đẩy giải quyết khiếu nại nhanh chóng và đạt kết quả tốt.

Đồng thời, việc giải quyết, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân dựa trên cơ sở tham khảo ý kiến của các cơ quan hữu quan, các thành phần có liên quan, cũng chính là nhằm đảm bảo công khai, dân chủ thực sự.

Kịp thời là một yêu cầu có tính nguyên tắc; giải quyết khiếu nại kịp thời là thể hiện mối quan tâm của chế độ xã hội đối với công dân, thể hiện thái độ tôn trọng của cơ quan, nhà nước đối với yêu cầu, nguyện vọng của người dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “ Đồng bào có oan ức mới khiếu nại hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mới khiếu nại. Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì Đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ quan tâm, lo lắng đến quyền lợi của họ. Do đó, mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Chính phủ ngày càng được củng cố tốt hơn”.

Tính kịp thời còn được nhấn mạnh ngay cả trong phòng ngừa, sửa chữa các sai phạm của các cấp có thẩm quyền nhằm tránh phát sinh khiếu nại

Nguyên tắc 3. Giải quyết khiếu nại hành chính phải thể hiện bằng văn bản

Nguyên tắc thể hiện bằng văn bản nhằm đảm bảo tính nhất quán và tính hợp pháp của quá trình giải quyết khiếu nại. Theo nguyên tắc này, khi thực hiện quyền khiếu nại, nội dung khiếu nại phải được thể hiện bằng văn bản theo đúng quy định; văn bản này có thể do người khiếu nại thể hiện, hoặc có thể do nơi tiếp nhận khiếu nại thực hiện; đây là thủ tục pháp lý ban đầu để làm căn cứ thụ lý, giải quyết vụ, việc khiếu nại.

Nguyên tắc thể hiện bằng văn bản đòi hỏi quá trình giải quyết khiếu nại, cơ quan nhà nước có thảm quyền phải phản ánh các hoạt động thông qua hình thức văn bản; quá trình thụ lý, thu thập thông tin, tài liệu, đánh giá, kết luận đều phải được ghi nhận bằng mẫu biểu, biên ản, báo cáo theo đúng thể thức văn bản quản lý nhà nước quy định.

Kết thúc việc giải quyết khiếu nại phải bằng quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền; đây là quy định bắt buộc đối với quá trình giải quyết khiếu nại; việc thay thế quyết định giải quyết khiếu nại bằng thông báo, biên bản cuộc họp hoặc các hình thức văn bản khác…là vi phạm quy định về thủ tục giải quyết khiếu nại đã được Luật Khiếu nại quy định.

Đinh Tuấn Hải – Chánh Thanh tra quận

content:

content:

Thư viện hình ảnh

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến: 1539
Số lượt truy cập: 292853